Chất tạo độ mờ Vật liệu gốm

Sb2O3

  • Phân tử lượng: 291,6
  • Điểm nóng chảy: 630 °C
  • Tên gọi: Ôxít antimon (III)
  • Nguồn: Ôxít antimon, sulfua antimon

Ôxít antimon (III) được dùng làm chất tạo độ mờ trong men nung thấp, tuy nhiên nó dễ bị mất tính năng làm mờ do là chất dễ bị khử, vì vậy trong men cần phải có một tác nhân ôxi hóa như KNO3 để đảm bảo hiện tượng này không xảy ra. Không dùng được cho men nung trên cone 1 do bị hoá hơi. Có thể cho men ngả màu vàng Naples nếu có sự hiện diện của chì (tạo kết tủa antimonat chì màu vàng).

SnO2

  • Phân tử lượng: 150,7
  • Hệ số giãn nở: 0,02
  • Điểm nóng chảy: 1.127 °C
  • Tên gọi: Ôxít thiếc (IV), Ôxít stannic
  • Nguồn: Bột ôxít thiếc

Dạng ôxít cao nhất của thiếc kim loại. Ôxít thiếc (IV) rất trắng, tỷ trọng thấp. Thiếc kim loại nóng chảy ở nhiệt độ rất thấp nhưng ôxít thiếc (IV) chỉ nóng chảy ở 1.127 °C.

SnO2 chủ yếu được sử dụng làm chất làm mờ (hàm lượng sử dụng từ 5-15%) cho mọi loại men. Ôxít thiếc là một chất làm mờ hữu hiệu để chuyển men trong thành trắng đục (trắng mềm sắc xanh nếu so sánh với các màu trắng tinh thô của ziricon). Lượng sử dụng tùy thuộc thành phần men và nhiệt độ nung. Tính năng làm mờ của ôxít thiếc có được là do các hạt ôxít thiếc nhỏ phân tán và nằm lơ lửng trong men nung. Ở nhiệt độ cao hơn, các hạt ôxít thiếc bắt đầu bị chảy, hòa tan và sẽ mất khả năng làm mờ.

Cũng như ôxít ziricon, lượng ôxít thiếc cao trong men nung thấp sẽ làm cho men khó chảy, làm quánh men chảy và tăng khả năng bị lỗ châm kim và gai ốc. Sử dụng ôxít thiếc sẽ có màu trắng mềm hơn sử dụng chất tạo mờ gốc ziricon (rất thông dụng và rẻ hơn ôxít thiếc nhiều). Một điều phải hết sức lưu ý là ôxít thiếc dễ dàng phản ứng với crôm (chỉ cần lượng rất nhỏ) tạo ra màu hồng. Nếu trong lò chỉ có một ít hơi crôm từ các loại men khác, màu trắng của ôxít thiếc sẽ không còn.Các chất tạo mờ khác còn có ôxít ziricon (cho màu trắng thủy tinh thô hơn), phôtphát canxi (bị vấn đề ngả màu sang xám), ôxít xeri (chỉ dùng ở nhiệt độ thấp), ôxít antimon (có vấn đề nếu men có chì – men ngả vàng) và điôxít titan (mất màu nếu có ôxít sắt).

TiO2

  • Phân tử lượng: 79,9
  • Hệ số giãn nở: 0,144
  • Điểm nóng chảy: 1.830 °C
  • Tên gọi: Điôxít titan, Titania
  • Nguồn: Điôxít titan, rutil

Điôxít titan là một ôxít đa dụng do có thể làm chất làm mờ, tạo đốm và kết tinh. Hàm lượng dưới 0,1% được dùng để biến đổi màu men có sẵn từ các ôxít kim loại khác như Cr, Mn, Fe, Co, Ni, Cu. Điôxít titan có thể tự tạo thủy tinh nhưng nó lại không có độ hòa tan cao trong silica nóng chảy. Hàm lượng thấp hơn 1%, điôxít titan hòa tan hoàn toàn trong men chảy (chưa thể làm chất làm mờ). Hàm lượng hơi cao hơn một chút, nó sẽ cho một vệt màu trắng ánh lam trong men trong suốt (còn tùy thuộc hàm lượng alumina). Trên 2%, nó bắt đầu thay đổi mạnh bề mặt và độ đục của men do hình thành các hạt tinh thể phân tán lơ lửng trong men. Trong khoảng từ 2-6%, nó sẽ tạo các đốm trên mặt men. Từ 10-15%, nó cho bờ mặt men mờ đục và xỉn nếu men không bị quá lửa. Điôxít titan là một ôxít "đói" ôxy và dễ dàng bị ôxi hoá từ dạng bị khử của nó khi có cơ hội.

Điôxít titan được dùng trong một số loại frit chì để giảm sự thẩm thấu. Men chứa điôxít titan có thể thay đổi màu nhẹ dưới tác động của ánh sáng và cũng có thể thay đổi màu do tác động của nhiệt.TiO2 được xem là ôxít trơ trong men. Tuy nhiên trên giản đồ Al2O3 - TiO2, điôxít titan và ôxít nhôm tạo cùng pha eutecti ở 80% Al2O3 và 1705 °C cho thấy TiO2 có phản ứng với ôxít nhôm, ôxít quan trọng thứ nhì trong ngành gốm.

ZrO

  • Phân tử lượng: 107,2
  • Hệ số giãn nở: 0,02
  • Tên gọi: Ôxít ziriconi (II), Zirconia
  • Nguồn: Các chất làm mờ ziricon, silicat ziriconi

ZrO có thể tạo các mẫu gồm những vùng đậm nhạt xen kẽ trên mặt men (chất biến đổi bề mặt). Cần phải sử dụng hàm lượng cao (khoảng 15%).ziricon được sử dụng trong các vết để ổn định độ màu.

ZrO2

  • Phân tử lượng: 123,2
  • Hệ số giãn nở: 0,02
  • Điểm nóng chảy: 2.700 °C
  • Tên gọi: Điôxít ziriconi, ôxít ziriconi (IV)
  • Nguồn: Các chất làm mờ ziricon, silicat ziriconi

Nó được dùng làm chất làm mờ trong men, tương tự như ôxít thiếc. Tuy nhiên, ôxít thiếc có thể nói là hiệu quả gấp đôi về mặt tạo độ mờ. Men bo hay kiềm cao, men alumina và silica thấp có thể không được làm mờ tốt lắm.